Chi tiết tin
Quay lại

GIÁO DỤC “Chiếc nôi” đào tạo giáo viên vùng ĐBSCL

Ngày 28/07/2016, 08:44
Là một trong những đơn vị đầu tiên của Viện Đại học Cần Thơ (ĐHCT), nay là Trường ĐHCT, 50 năm qua, Khoa Sư phạm ngày càng khẳng định vai trò "đầu tàu" trong đào tạo giáo viên cho ĐBSCL. Đây là nền tảng để khoa tiếp tục phát triển và gắn kết với các địa phương, đơn vị đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nửa thế kỷ đào tạo đội ngũ giáo viên

Khoa Sư phạm thành lập ngày 31-3-1966. Sau năm 1975, qua nhiều lần tách nhập với tên gọi khác nhau (như Toán - Lý, Hóa - Sinh,…), năm 1996, Khoa Sư phạm tái thành lập trên cơ sở các khoa trên. Tháng 7-2009, Trường ĐHCT thành lập Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, một số thầy cô Khoa Sư phạm được điều chuyển sang đơn vị trên. Tháng 3-2015, Trường ĐHCT thành lập Khoa Ngoại ngữ, 2 bộ môn (sư phạm tiếng Anh và sư phạm tiếng Pháp) được chuyển sang đơn vị này. Khi thành lập Khoa Khoa học Tự nhiên (năm 1996) và Khoa Dự bị - Dân tộc (năm 2007), nguồn lực chủ yếu từ Khoa Sư phạm chuyển sang. Có thể nói, Khoa Sư phạm gần như "chia lửa" nguồn lực cán bộ giảng dạy để phục vụ, góp phần cho sự phát triển các khoa mới nói riêng, Trường ĐHCT nói chung. Quan trọng hơn, nửa thế kỷ qua, Khoa Sư phạm được xem là "chiếc nôi" đào tạo hàng vạn sinh viên các hệ: chính quy, chuyên tu, tại chức, liên thông… cho các tỉnh, thành ĐBSCL. Những sinh viên này đã và đang công tác ở nhiều lĩnh vực giáo dục - đào tạo, truyền thông, doanh nghiệp…

Dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Sư phạm vừa tổ chức trung tuần tháng 7-2016, nhiều thầy cô là cựu sinh viên sư phạm, hiện công tác, giảng dạy khắp nơi, cùng tề tựu, chung vui... tay bắt mặt mừng. Những thầy cô quen thuộc như: thầy Lê Phước Lộc, cô Nguyễn Thị Hồng Nam, thầy Nguyễn Hoàng Vinh… đã khắc sâu trong tâm trí bao thế hệ sinh viên, hiện là giáo viên giảng dạy ở các trường THPT. Cô Nguyễn Thị Kim Loan, cựu sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn (nay là Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa), bày tỏ: Dịp này, tôi quá xúc động được gặp lại thầy cô, bạn bè. Chúng tôi ngồi bên nhau, ôn lại kỷ niệm xưa dưới mái trường này, cùng tâm sự bao nhiêu buồn vui trong công việc, cuộc sống...

 

 Gắn kết đào tạo với các đơn vị

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐHCT, do nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức nên khoa chưa thống kê số sinh viên đã tốt nghiệp nhưng có thể khẳng định, các cựu sinh viên của khoa đóng vai trò nòng cốt của đội ngũ giáo viên THPT, giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện chính trị; đồng thời còn là những nhà quản lý giáo dục cấp tỉnh, cấp huyện; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở ĐBSCL. Hiện nay, Khoa có 9 Bộ môn, 1 Tổ Văn phòng và 2 đơn vị trực thuộc (Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm và Trường THPT Thực hành Sư phạm); với 138 cán bộ viên chức, trong đó có 5 phó giáo sư, 25 tiến sĩ, 80 thạc sĩ trên tổng số 122 giảng viên. Khoa đang đào tạo 9 ngành đại học và 2 ngành sau đại học; thực hiện đề án mở 2 ngành (Quản lý Giáo dục và Toán ứng dụng cao học) năm 2016.

Bên cạnh công tác đào tạo, nhiều năm qua, Khoa Sư phạm thực hiện khá tốt nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên các tỉnh ĐBSCL như: bồi dưỡng dạy học sách cải cách giáo dục, sách phân ban, hoàn thành công tác bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ I (1995-1997), chu kỳ II (1997-2000) và chu kỳ III (2003-2007), bồi dưỡng giáo viên THPT ĐBSCL thực hiện chương trình sách giáo khoa mới năm 2006, năm 2007, năm 2008 và năm 2009. Không chỉ thế, hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phát triển khá mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị. Riêng giai đoạn 2010-2015, khoa có 151 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành (33 bài đăng trên tạp chí quốc tế); 75 báo cáo khoa học tham gia các cuộc Hội thảo (7 báo cáo tham gia Hội thảo khoa học quốc tế)... Đồng thời, khoa còn thực hiện một số chương trình hợp tác, trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên với các đối tác quốc tế như: Hogeschool van Amsterdam; Đại học Amsterdam, Hà Lan; Đại học Sydney, Úc; Đại học Quốc gia Lào… PGS.TS Nguyễn Văn Nở cho biết: Sự nghiệp GD&ĐT của nước ta đang đứng trước những thử thách lớn. Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trở thành một trong những mục tiêu, động lực quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Là cơ sở đào tạo giáo viên trọng điểm của ĐBSCL, đây là niềm vinh dự và nhiệm vụ lớn lao của khoa sư phạm. Vì thế, tập thể cán bộ, giảng viên của khoa sẽ nỗ lực hoàn thành trọng trách, đóng góp phần công sức vào sự nghiệp chung.

Theo PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, 50 năm có thể xem là mốc son đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Khoa Sư phạm nói riêng và Trường ĐHCT nói chung. Thành quả đạt được của các thế hệ giảng viên và sinh viên nửa thế kỷ qua là điều kiện thuận lợi để khoa tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát triển hơn nữa. Hướng tới, khoa sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, linh hoạt và tự chủ cao; bồi dưỡng giáo viên theo nhiều hình thức, đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp và khả năng tìm việc làm. Vì thế, ngoài chuyên môn, khoa cần cung cấp thêm kỹ năng mềm cho sinh viên; đồng thời tiếp tục gắn kết với các địa phương, các sở giáo dục, các trường để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: B.Kiên